Dịch covid-19 gây tắc nghẽn logistics tại Thượng Hải , Trung Quốc
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới công bố ngày 19/4, IMF Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống mức 3,6% trong năm 2022 và trong năm 2023, tương ứng với mức giảm 0,8% và 0,2% so với mức dự báo hồi tháng 1 vừa qua.
Riêng với Trung Quốc, IMF cho rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể sẽ phải hứng chịu những tác động tiêu cực lớn hơn trong vài tuần tới khi Bắc Kinh đang phải đẩy căng nỗ lực ngăn chặn lây lan của COVID-19.
IMF điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2022 còn 4,4%, giảm so với mức 4,8% được đưa ra tại kỳ báo cáo tháng 1. Đà suy thoái kéo dài có thể làm phát lộ những điểm yếu mang tính cấu trúc tại Trung Quốc, như tình trạng nợ chính quyền địa phương tăng cao, đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp bất động sản, nợ hộ gia đình cũng như hệ thống ngân hàng chưa thực sự vững chắc – IMF nhận định.
Theo IMF, xu hướng trên kết hợp với sự xuất hiện của các biến thể có khả năng lây nhiễm cao cùng chính sách zero-Covid (Không Covid) có thể sẽ tiếp tục cản trở hoạt động kinh tế, làm tăng tính bất chắc. Đứt gãy lớn hơn có thể ảnh hưởng tới các hoạt động thương mại cốt lõi, trong đó có việc phong tỏa các cảng biển.
Ngày 18/4, Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố số liệu cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý I/2022 tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2021. Giá trị sản lượng công trong quý 1 tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, phần lớn động lực tăng trưởng trong quý rơi vào tháng 1 và tháng 2, thời điểm dịch bệnh COVID-19 chưa thực sự gay gắt như trong tháng 3. Doanh thu bán lẻ - chỉ số quan trọng về tăng trưởng tiêu dùng - quý 1 tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng tháng 3/2022, doanh thu bán lẻ giảm 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái.