Welcome to AKIRA INVESTMENT CO.,LTD

Tháo điểm nghẽn cho logistics

Để thúc đẩy dịch vụ logistics phát triển tương xứng với tiềm năng, vươn ra khu vực, thế giới, thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra lộ trình triển khai các giải pháp xóa bỏ “điểm nghẽn” của lĩnh vực này.

Cảng Cát Lái (thành phố Thủ Đức) luôn nhộn nhịp hàng hóa xuất, nhập khẩu.

Với vị trí cửa ngõ thông thương quốc tế của Đông Nam Bộ, logistics đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Hồ Chí Minh và đây cũng chính là cánh tay nối dài của ngành hải quan để hỗ trợ, tạo động lực cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch Covid-19.

Theo thống kê của Cục Hải quan thành phố, năm 2021, mặc dù bị tác động nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của thành phố vẫn đạt hơn 127 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2020. Dự kiến đến năm 2025 tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa thông qua thành phố đạt khoảng 165 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước của Cục Hải quan thành phố có thể đạt 130.000 tỷ đồng vào năm 2025 và 147.000 tỷ đồng vào năm 2030.

Thực tế cho thấy, hoạt động xuất, nhập khẩu vẫn nhộn nhịp nhưng chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng logistics tại thành phố vẫn chưa đáp ứng quy mô tăng trưởng hàng hóa. Giám đốc Sở Công thương thành phố Bùi Tá Hoàng Vũ chỉ ra những “điểm nghẽn” của logistics thành phố: Hiện, có đến 4.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics với khoảng 2.000 kho bãi, nhưng quy mô các doanh nghiệp chỉ là nhỏ, siêu nhỏ và vừa (chiếm hơn 90%), tiềm lực tài chính yếu. Chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành còn ở mức thấp, kể cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp, khiến cho chi phí logistics đội lên cao (chiếm khoảng 19% GDP), gấp đôi so với các nước phát triển. Cùng với đó, số lượng và chất lượng nhân lực ngành logistics vẫn chưa bảo đảm. Trung bình mỗi năm, thành phố cần 10.000 nhân lực nhưng các trường chỉ đào tạo được 2.500 sinh viên, học viên… Nếu Việt Nam không có biện pháp kéo giảm chi phí logistics thì rất khó cạnh tranh, khó tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại… 

Đề án Phát triển trung tâm logistics thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2025-2030 đã nêu ra sáu giải pháp cần sớm triển khai. Theo quy hoạch, thành phố sẽ đầu tư bảy trung tâm logistics, đó là: Long Bình, Cát Lái, Linh Trung, Khu công nghệ cao, Tân Kiên, Hiệp Phước và Củ Chi.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, thành phố cơ bản thống nhất hoàn chỉnh quy hoạch bảy khu đất xây trung tâm logistics. Tiếp đó, sẽ tổ chức đấu thầu chọn lựa nhà đầu tư. Dự kiến từ nay đến năm 2025 thành phố sẽ tập trung triển khai mời gọi đầu tư ba trung tâm logistics tại Khu công nghệ cao, Linh Trung và Long Bình tại thành phố Thủ Đức. Hiện, có nhiều nhà đầu tư đang quan tâm, nghiên cứu cùng tham gia xây dựng các trung tâm logistics tại thành phố Hồ Chí Minh. 

Chủ tịch Hiệp hội Logistics thành phố Hồ Chí Minh Đặng Thị Minh Phương nhận định, thời gian qua, hoạt động của ngành hải quan có nhiều thay đổi tích cực, đơn giản hóa các thủ tục hải quan, triển khai hải quan điện tử giúp cho hoạt động logistics vận hành thuận lợi ngay cả trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, giúp dòng chảy hàng hóa được duy trì ổn định. Tuy nhiên, để ngành logistics thành phố phát triển và hỗ trợ hiệu quả hơn cho cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, cần giải quyết các điểm nghẽn về hạ tầng, ứng dụng công nghệ số và bảo đảm nguồn nhân lực thực hiện sớm Đề án phát triển ngành logistics của thành phố. 

Với mục tiêu phát triển logistics thành phố là ngành “tỷ USD”, có vị trí vững vàng, vươn ra khu vực và thế giới cũng như hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19, lãnh đạo Hải quan thành phố cam kết sẽ tiếp tục xây dựng, phát triển mối quan hệ hợp tác, đối tác và luôn đồng hành giữa cơ quan hải quan và cộng đồng doanh nghiệp ngày càng phát triển tốt đẹp, bền vững.

Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh cho biết, với tôn chỉ, mục tiêu “Hải quan thành phố Hồ Chí Minh và cộng đồng doanh nghiệp là đối tác tin cậy, đồng hành cùng phát triển kinh tế”, ngành hải quan luôn lắng nghe doanh nghiệp với tinh thần cầu thị, qua đó nắm bắt ý kiến, tháo gỡ khó khăn, tổng hợp những kiến nghị để trình các cơ quan chức năng, kể cả xây dựng hệ thống pháp luật, nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp được hưởng những công nghệ tiên tiến nhất, thông minh nhất, tiến tới làm thủ tục hải quan phi giấy tờ, giúp tiết kiệm chi phí; đẩy mạnh phát triển đại lý hải quan. 

Hải quan thành phố cũng sẽ thường xuyên đề đạt UBND thành phố về những kế sách phát triển dịch vụ logistics, cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi thương mại trong phạm vi hải quan để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.